Start-up là hành trình đầy rủi ro và thách thức luôn thường trực từ bên ngoài thị trường, đối thủ, đến bên trong sản phẩm, nguồn lực, vấn đề nội tại… Tất cả có thể đánh start-up gục ngã bất cứ lúc nào.
Dưới đây là ý kiến chia sẻ của bà HOÀNG THỊ KIM DUNG – giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Genesia Ventures Việt Nam:
Là một quỹ đầu tư, chúng tôi luôn mong muốn có thể tìm thấy và đầu tư vào các nhà sáng lập “All-in” vào start-up của mình. Nhưng đặt trong bối cảnh ở Việt Nam, việc có thể tìm thấy đúng một “All-in” thực sự là một điều thách thức với chúng tôi.
Vì sao vậy? Liệu có định nghĩa “All-in” nào phù hợp hơn các nhà sáng lập tại Việt Nam không?
Thế nào là nhà sáng lập “All-in” vào start-up?
Theo tôi, “All-in” có thể được hiểu đơn giản là bỏ hết cả vào một việc gì đó. Khi từ này được dùng để nói về các nhà sáng lập, có nghĩa là họ bỏ hết tất cả tâm huyết, sự tập trung và thời gian của mình vào chỉ một start-up của mình cho tới lúc thành công.
Đọc tới đây chắc hẳn các bạn cũng hiểu được vì sao điều này lại quan trọng với các nhà đầu tư start-up chúng tôi?
Đúng vậy, điều này thực sự vô cùng quan trọng. Start-up là hành trình đầy rủi ro và thách thức luôn thường trực từ bên ngoài thị trường, đối thủ, đến bên trong sản phẩm, nguồn lực, vấn đề nội tại… có thể đánh start-up gục ngã bất cứ lúc nào.
Điều này đòi hỏi start-up luôn cần sự tập trung tuyệt đối để thực thi linh hoạt và sắc sảo, lúc tấn công, lúc phòng thủ, liên tục tìm mọi cách để tiến về phía trước.
Trong một thế giới mà tôi được chứng kiến, tỉ lệ thất bại của start-up cao tới mức mà dù bạn đã bỏ 99% tâm huyết của mình ra cũng chưa bảo đảm cho thành công.
Do đó, nếu không phải là ALL – dành tất cả để tập trung vào một, thì cơ hội vốn ít lại càng ít, thậm chí là không có cơ hội để thành công thực sự với khởi nghiệp.
Nhưng đồng hành với nhiều nhà sáng lập start-up tại Việt Nam, tôi nhận ra “All-in” lại có một định nghĩa “nâng cấp” hơn để phù hợp với bối cảnh tại thị trường này.
Đó là các nhà sáng lập start-up được các quỹ thực tế đầu tư có chọn lọc đầu tư, thì thường là các doanh nhân đã có kinh nghiệm dày dặn có liên quan tới lĩnh vực mà họ đang start-up, trong đó có nhiều người đã từng thành công với nhiều doanh nghiệp của mình trước đây.
Hơn hết, họ là người có nhiều sự lựa chọn từ thành công của mình trước đó.
Bên cạnh kinh nghiệm, họ có tài chính, có mối quan hệ, có những hoạt động kinh doanh đứng sau.
Với những nhà sáng lập này, tôi tin rằng khi họ bắt đầu một công ty start-up mới, mọi người sẽ thường đặt câu hỏi về sự “All-in” thực sự của họ. Họ thực sự cần những định nghĩa mới cho khái niệm “All-in” này.
“Không thể đánh đổi uy tín gây dựng trong nhiều năm của mình”
Dựa trên những nội dung trao đổi vô cùng sâu sắc với các nhà sáng lập của tôi, có thể tái định nghĩa All-in bằng mong muốn mãnh liệt muốn hiện thực hóa ý tưởng, tầm nhìn và mục tiêu của mình để đưa start-up thành công thực sự.
Mong muốn này mãnh liệt tới mức nó xâm chiếm tâm trí mọi lúc mọi nơi. Nó có thể khiến nhà sáng lập không ngủ được thức dậy lúc nửa đêm khi nghĩ ra hướng giải một bài toán khó nào đó của start-up mình.
Nó mãnh liệt tới mức các nhà sáng lập sẽ hạ cái tôi và vị trí thành công trước đây của mình xuống để khiêm tốn mở lòng học hỏi những điều quan trọng thực sự cho start-up của mình.
Nó mãnh liệt tới mức, chúng ta luôn có thể tìm thấy họ trong mọi ngóc ngách của start-up, xắn tay áo lên, lau mồ hôi, lăn xả vào điều hành, đăm chiêu suy nghĩ cách làm tốt hơn nữa cho start-up của mình.
Họ thậm chí có thể hy sinh quyền lợi và lùi về phía sau hoạt động của các công ty trước đó của mình – trao quyền cho người “All-in” hơn – để có thể “All-in” với start-up mới hiện tại của mình, vì họ hiểu rằng đó là điều tất yếu để thành công thực sự.
Họ thận trọng linh hoạt suy nghĩ cách nâng cao hiệu ứng cộng hưởng của những thứ mình có, nhưng với quyết định rành mạch và thuyết phục. Tất cả để làm đòn bẩy tốt nhất cho sự phát triển của start-up mới của mình.
Nó mãnh liệt tới mức họ tự đặt ra sự lựa chọn duy nhất là MUST WIN (Phải Thắng) với start-up này, mà không đặt ra cho mình đường lùi, vì họ hiểu rằng họ phải có trách nhiệm, không thể đánh đổi uy tín gây dựng trong nhiều năm của mình.
Nó có thể lan tỏa tới mọi người xung quanh cùng cảm nhận được, từ các khách hàng đối tác, nhân viên, tới các nhà đầu tư, để cùng chung tay ủng hộ nhà sáng lập đó từng bước thành công với start-up của mình.
HOÀNG THỊ KIM DUNG – giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Genesia Ventures Việt Nam