(VNF) – Là một trong những người giàu nhất Việt Nam, nhưng doanh nhân Vũ Văn Tiền lại có cuộc sống khá khiêm nhường và kín tiếng.
Chân dung một đại gia
Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959 trong một gia đình thuần nông, quê gốc tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bắt đầu làm việc tại Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp từ năm 1986, nhưng sau 6 năm, ông đã quyết định xin nghỉ việc để ra ngoài làm kinh doanh.
Tháng 1/1993, ông Vũ Văn Tiền thành lập Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Tập đoàn Geleximco, với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Trải hơn 30 năm phát triển, Geleximco đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh tại Việt Nam với trên 20.000 tỷ đồng doanh thu hàng năm và tổng tài sản đạt tới 80.000 tỷ đồng. Geleximco ngày nay là tập đoàn hàng đầu quốc gia về các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tài chính, ngân hàng, bất động sản và thương mại dịch vụ.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các dự án nổi bật của Geleximco là nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và nhà máy giấy An Hòa với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD; nhà máy nhiệt điện Thăng Long tổng vốn đầu tư 900 triệu USD, công suất 620 MW; nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư 270 triệu USD, công suất 2,3 triệu tấn/năm…
Trong mảng bất động sản, thương hiệu Geleximco gắn với những dự án quy mô lớn như: khu đô thị Thành phố Giao lưu, khu đô thị Gelexia Riverside, khu đô thị Lê Trọng Tấn, dự án Dầu khí – Geleximco, khu đô thị Đồng Trúc Ngọc Liệp, khu đô thị Phú Mãn 461ha (Hà Nội); khu đô thị sinh thái Đảo Vạn Cảnh, khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh); khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Hải Phòng)…
Trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, Geleximco có sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club, khách sạn Thái Bình Dream, khách sạn Hạ Long Dream…
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Geleximco và những chủ sở hữu liên quan mật thiết đến một loạt đơn vị như: Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không.
Về mặt chức danh, kể từ khi thành lập đến nay, ông Vũ Văn Tiền điều hành Geleximco với cương vị chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Ngoài ra, ông cũng giữ chức chủ tịch nhiều công ty thành viên trong hệ sinh thái tập đoàn. Trước đó, ông từng làm chủ tịch Ngân hàng An Bình trong 10 năm (tháng 4/2008 – tháng 4/2018), chủ tịch Công ty Chứng khoán An Bình trong 2 năm (tháng 4/2020 – tháng 4/2022) trước khi chuyển giao các vị trí này cho người thân.
Vị doanh nhân khát khao “truyền lửa” cho thế hệ trẻ
Nhiều người cho biết, khi gặp ông Vũ Văn Tiền lần đầu đã rất bất ngờ, bởi khó có thể hình dung được một người có vóc dáng gầy, nhỏ, ít nói, sở hữu nụ cười hiền lành và chẳng bao giờ to tiếng với ai ấy lại chính là người nắm trong tay khối tài sản khổng lồ, khác xa với các vị đại gia ồn ào khác.
Trước khi bắt tay vào kinh doanh, ông Vũ Văn Tiền từng có thời gian ở khu vực Chợ Lớn. “Những người làm ăn nhỏ lẻ ở Chợ Lớn đã dạy tôi bài học đầu tiên về việc làm ra tiền, tiêu tiền và giữ tiền. Họ khuyên tôi đừng tham, đừng mong kiếm được nhiều tiền một lúc, mà phải kiếm từng đồng, như bỏ lọ, sẽ thấy giá trị của đồng tiền, chỉ khi đó mới thực sự có tư duy để làm tiền và bảo vệ giá trị đồng tiền”, ông kể trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo chí.
Cộng đồng doanh nhân Sao Đỏ gọi ông Vũ Văn Tiền là người anh cả, không chỉ bởi ông là thế hệ doanh nhân Sao Đỏ đầu tiên mà còn bởi vị thế thủ lĩnh của ông. “Anh Tiền luôn muốn quy tụ những doanh nhân đã trưởng thành để truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân trẻ có cùng chí hướng khởi nghiệp và cách làm giàu chân chính. Anh ấy cũng mong các doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa hợp tác để cùng thắng”, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ, chia sẻ.
Bắt đầu kinh doanh với số vốn 200.000 USD, đến nay, đến nay tổng tài sản có thể đã đạt tới tỷ USD, nhưng ông Vũ Văn Tiền chưa bao giờ ngừng nghỉ. Vị doanh nhân người Thái Bình này được cho là một người cực kỳ đam mê công nghiệp và khởi nghiệp. Ông từng nói sẽ khởi nghiệp cả đời vì khát khao cống hiến cho đất nước, gắn liền với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. “Đã sinh ra doanh nghiệp tư nhân thì chỉ có cống hiến và khát vọng. Chúng ta cùng nhau khởi nghiệp, làm sao cho mục tiêu GDP tăng trưởng gấp 10 lần so với hiện nay”, ông có lần nói. Ông Vũ Văn Tiền bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ trẻ. Theo ông, trẻ bao giờ cũng năng động, táo bạo hơn. Thế hệ trẻ hiện có lợi thế là được trang bị các kiến thức mới. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa gặp rủi ro, chưa được thử thách, nhưng nếu các doanh nhân trẻ luôn trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, thì khi gặp khó khăn, ông tin họ sẽ biết vượt qua và làm tốt hơn thế hệ đi trước.
Đây cũng là điều ông Tiền muốn chia sẻ lại với các doanh nhân trẻ. Kiếm tiền có thể chậm vài tháng, vài năm, nhưng phải tìm ra con đường đi dài của đời mình. Danh hiệu chỉ có ý nghĩa trong một giai đoạn, sự bền vững trong kinh doanh càng mang tính chất tương đối, nếu không theo kịp sự phát triển của xã hội, đất nước hay nếu tụt hậu về tư duy, ý chí. “Tôi cũng đã thay đổi rất nhiều, nhất là trong suy nghĩ, tầm nhìn, tư duy, vì không thể áp đặt thời điểm lịch sử này vào thời điểm lịch sử khác”, ông Tiền cởi lòng trong một buổi trả lời phỏng vấn báo chí hiếm hoi.
Khát vọng biến Việt Nam trở thành “thủ phủ” sản xuất ô tô của khu vực
Là một người đam mê các ngành công nghiệp, dễ hiểu vì sao ông Vũ Văn Tiền đã bắt tay với đối tác Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình, trị giá hơn 800 triệu USD, công suất 200.000 xe mỗi năm.
“Chúng tôi mong muốn biến Việt Nam trở thành ‘thủ phủ’ sản xuất ô tô của khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung” – ông Vũ Văn Tiền bộc bạch trong lễ ký hợp đồng liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe năng lượng mới thời thượng quốc tế Omoda&Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc).
Trong những năm gần đây, công nghệ về xe năng lượng mới của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao trên toàn cầu, thương hiệu Omoda&Jaecoo (Tập đoàn Chery) cũng đã có những bước đột phá trong lĩnh vực xe năng lượng mới của thế giới, không ngừng ra mắt các sản phẩm và công nghệ mới. Tính đến năm 2024, khối lượng bán hàng tích lũy toàn cầu của thương hiệu Omoda&Jaecoo đã vượt quá 160.000 chiếc, thu hút sự đón nhận và ưa chuộng của giới trẻ ở gần 20 quốc gia và khu vực. Xe năng lượng mới của mẫu xe thuần điện đầu tiên mang tên Omoda E5, đã được lãnh đạo cấp cao của chính phủ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha công nhận, trở thành “thế lực mới” trên thị trường ô tô toàn cầu.
“Chúng tôi sẽ sản xuất các sản phẩm ô tô chất lượng cao với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất không chỉ phục vụ người Việt Nam mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này được minh chứng bằng thực tế Tập đoàn Chery đã sản xuất và xuất khẩu thành công hàng triệu chiếc ô tô ra thế giới”, doanh nhân Vũ Văn Tiền bộc bạch.
Một trong những điều khiến doanh nhân Vũ Văn Tiền đặt nhiều tâm huyết vào dự án nhà máy sản xuất ô tô tại quê hương Thái Bình của ông là dự án sẽ tạo ra hơn 10.000 việc làm, không chỉ lao động giản đơn mà cả lao động có trình độ cao sử dụng được công nghệ hiện đại.
Ông chia sẻ: “Tôi mong muốn thay đổi một vùng quê, thay đổi một hệ tư tưởng, thay đổi cách suy nghĩ của con người Thái Bình nói riêng và người Việt Nam nói chung khi sử dụng công nghệ ô tô. Hơn thế, khi đứng trên vai ‘người khổng lồ’ – Tập đoàn Chery với trung tâm nghiên cứu có hàng chục ngàn nhân sự trẻ, trung bình 28 tuổi có trình độ cao, liên doanh sẽ góp phần đào tạo, thu hút nhân tài vào lĩnh vực công nghệ ô tô để cống hiến, phục vụ, để sáng tạo và đổi mới”.
Có thể thấy, doanh nhân Vũ Văn Tiền vẫn đang tiếp tục những khát vọng to lớn. Dẫu đường phía trước vẫn còn rất dài, nhưng với những gì đã và đang làm được cùng với tinh thần khát khao cống hiến, xây dựng, tin rằng mọi thứ sẽ thành công vượt mong đợi…