Thời nào cũng vậy, có hậu cung, có cảnh chồng chung là sẽ có những tranh chấp giữa các bà.
Từ phải qua: nghệ sĩ Tú Quyên trong vai Thượng Dương hoàng hậu, Lư Tiểu Duy trong vai Lý Thường Kiệt và Hạ Nắng (trái) trong vai nguyên phi Ỷ Lan trong vở cải lương Dương hoàng hậu. Ảnh: Hồ Lam. |
Nhiều bạn trẻ Việt xem nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, mê mẩn với các câu chuyện “cung đấu” ly kỳ mà các nhà làm phim khai thác, vẫn hay thắc mắc: “Ở nước ta thời xưa, có các chuyện cung đấu như vậy không?”.
Thực ra thời nào cũng vậy, có hậu cung, có cảnh chồng chung là sẽ có những tranh chấp giữa các bà. “Ngứa ghẻ, hờn ghen”, các bà trong hậu cung triều đình Việt cũng có những màn ghen tuông ghê gớm, mà sử sách ghi lại nhiều nhất ở triều Lý.
Ghen vì địa vị
Nổi bật nhất trong các cuộc tranh chấp trong cung đình nhà Lý chính là cái chết của Thượng Dương hoàng hậu, mẹ đích của vua Lý Nhân Tông (không phải mẹ đẻ). Thái hậu vốn là vợ cả của vua Lý Thánh Tông.
Nhà vua đã 40 tuổi vẫn chưa có con trai nối dõi, nhân đi chơi khắp các chùa quán để cầu tự, qua làng Thổ Lỗi (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay), trông thấy một người con gái hái dâu nép trong bụi cỏ lan, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân.
Sau bà có mang, sinh ra hoàng tử Càn Đức tức vua Nhân Tông. Sau khi vua Thánh Tông băng hà, thái tử Càn Đức lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thái Ninh. Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự.
Dù đã có địa vị cao quý, nhưng vẫn chưa phải cao nhất, Hoàng thái phi đã thể hiện quyền uy bằng màn đánh ghen trở thành vết nhơ cuối đời của bà. Bộ chính sử lớn nhất nước ta, Đại Việt sử ký toàn thư, chép: năm Quý Sửu, niên hiệu Thái Ninh năm thứ 2 (1073), vua Nhân Tông giam Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu.
Các nhà chép sử cũng giải thích nguyên nhân: Linh Nhân thái hậu có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”
Vua bèn sai em giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.
Viết sử đến đoạn này, sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận: Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư?
Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua.
Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Sau này, Linh Nhân thái hậu dựng rất nhiều chùa thờ Phật, có đến hơn trăm sở, và tục truyền rằng thái hậu hối hận về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ không tội mà bị chết, nên mới xây nhiều chùa để sám hối và rửa oan.