Vừa ra trường đã thất nghiệp, người trẻ phải làm gì để vượt qua khủng hoảng?

Đây là 9 lời khuyên mà những bạn trẻ vừa bước vào thị trường lao động có thể tham khảo để tránh khỏi cảm giác khủng hoảng giữa làn sóng sa thải.

TIN MỚI

Có một cơn bão đang hoành hành – cơn bão mang tên “bão sa thải”.

Ai cũng biết đằng sau mỗi đợt cắt giảm nhân sự lớn của các công ty, doanh nghiệp lớn là cả kế hoạch điều chỉnh chiến lược và mục tiêu kinh doanh mang tính vĩ mô, tuy nhiên dù vì lý do gì, nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, thậm chí là cả gia đình của họ.

Đối với những người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, dẫu vẫn có áp lực nhưng nói một cách tương đối, ngay cả khi bị sa thải, vẫn không quá khó để họ có thể tìm được một công việc (với mức lương ổn) thông qua các headhunter (chuyên viên tuyển dụng cấp cao, thợ săn đầu người) hoặc thông qua trang web tuyển dụng.

Trong khi đó, đối với sinh viên mới tốt nghiệp hay những người vừa gia nhập thị trường lao động trong vòng 3 năm đổ lại, thử thách mang tên “bão sa thải” là đả kích mạnh mẽ không phải ai cũng có thể vượt qua.

Vậy trong trường hợp bạn vừa ra trường hoặc mới đi làm bao lâu đã bị sa thải hoặc thất nghiệp, đây là một vài lời khuyên dành cho bạn:

1. Một khi bạn đã đi làm, đừng tiếp tục sử dụng CV bạn từng dùng trong những chương trình tuyển dụng do trường tổ chức để đánh lừa nhà tuyển dụng, thay vào đó hãy nghiêm túc viết lại một bản CV đầy đủ, sáng tạo hơn.

Vừa ra trường đã thất nghiệp, người trẻ phải làm gì để vượt qua khủng hoảng? - Ảnh 1.

Tại các buổi tuyển dụng tại trường đại học, một tỷ lệ đáng kể các công ty hàng đầu trong ngành chú trọng nhiều hơn đến năng lực cá nhân và chất lượng toàn diện, trong khi tương đối xem nhẹ vấn đề chuyên môn chuyên nghiệp. Có người có kinh nghiệm thực tập phong phú, có người có profile hoạt động ngoại khóa xuất sắc, có người lại có thành tích học tập tốt. Chỉ cần bạn có một hoặc nhiều điểm sáng như vậy, bạn có thể dễ dàng vượt qua vòng sàng lọc hồ sơ của các doanh nghiệp và bước vào quá trình phỏng vấn sâu hơn.

Tuy nhiên, đối với tuyển dụng thực tế ngoài thị trường, bạn nên tập trung miêu tả rõ hơn về kinh nghiệm làm việc (đối với công việc toàn thời gian) sau khi tốt nghiệp, đầu ra và nội dung trong hồ sơ phải phản ánh được kinh nghiệm cũng như chất lượng làm việc của bạn.

Xét cho cùng, chúng ta đều biết rằng yêu cầu công việc, cường độ làm việc và độ tin cậy của công việc thực tập và công việc toàn thời gian là hoàn toàn khác nhau.

2. Tuyển dụng của trường khác với tuyển dụng xã hội, không có cái gọi là mùa tuyển dụng, mọi người đều phải học cách chủ động tìm kiếm cơ hội qua các trang web tuyển dụng hoặc các hội nhóm tìm việc.

3. CV mặc dù rất quan trọng nhưng những cuộc tiến cử nội bộ từ bạn bè, người quen còn quan trọng hơn. Việc tiến cử nội bộ có xác suất được nhận phỏng vấn cao nhất và xác suất thành công cũng cao nhất. Sẽ rất tuyệt nếu bạn có bạn bè, bạn đại học, người thân hoặc người quen ở công ty giới thiệu.

Trước áp lực kinh tế gia đình và áp lực mưu sinh của bản thân, thể diện là vô giá trị. Khi cần nhờ hỗ trợ thì hãy lên tiếng.

4. Ở giai đoạn cuộc sống không như ý này, thường sẽ mất 2-3 tháng để tìm được một công việc lý tưởng và phù hợp. Trong khoảng thời gian đó, bạn có thể tận dụng để học lái xe, học thêm một kỹ năng thứ hai, làm part-time… thay vì chỉ ngồi đó và chờ đợi.

Vừa ra trường đã thất nghiệp, người trẻ phải làm gì để vượt qua khủng hoảng? - Ảnh 2.

5. Trong thời gian thất nghiệp, cố gắng duy trì nhịp sinh hoạt bình thường. Giữ tinh thần tốt. Hạn chế ngủ nướng. Tránh ăn quá nhiều.

6. Hãy là một người trưởng thành với cảm xúc ổn định. Áp lực mà gia đình bạn hay những người xung quanh bạn đang phải chịu đựng chưa chắc đã ít hơn bạn. Đừng “giận cá chém thớt”, coi mình là trung tâm và trút các cảm xúc tiêu cực của bản thân lên người khác.

7. Vì không có nguồn thu nên trong khoảng thời gian này, bạn phải cố gắng tiết kiệm tiền. Nếu bạn tiêu tốn một khoản lớn để đi du lịch hay mua gì đó đắt đỏ để giải tỏa căng thẳng cho bản thân, bạn đang thể hiện sự thiếu trách nhiệm với gia đình và với chính mình.

8. Không phải ai cũng thích hợp làm start-up. Khởi nghiệp mà thiếu kiến thức, nguồn lực rất dễ thất bại và sẽ khiến tình hình càng thêm tệ hơn.

9. Dù không “kén cá chọn canh” nhưng cũng đừng bất chấp làm mọi thứ với mong muốn thoát cảnh thất nghiệp càng nhanh càng tốt. Tốt hơn là suy xét cẩn thận và chờ một cơ hội thích hợp nhất thay vì chọn bừa. Chọn bừa một công việc sau đó làm một thời gian ngắn rồi nghỉ sẽ chỉ làm hồ sơ của bạn xấu đi mà thôi.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin