Xấu hổ vì đi máy bay

Nhiều người đi du lịch bằng máy bay tự thấy “Flygskam”, thuật ngữ chỉ sự xấu hổ vì phương tiện này thải ra lượng chất có hại khổng lồ.

Hanna Kayhko, Tổng biên tập của một tờ báo Phần Lan, đã lái xe đi quãng đường dài 3.200 km trong năm ngày đến Oxford, Anh khi chuyển nhà từ Joensuu, Phần Lan, trong khi bay chỉ mất 6-8 giờ, đã bao gồm thời gian quá cảnh.

Đó là cách Kayhko chọn để sống xanh. Hơn nữa, gia đình cũng có thể sử dụng ôtô cá nhân trong thời gian ở Anh, không phải mua thêm đồ mới vì đã chất đủ đồ dùng lên xe. Cô ước tính khi di chuyển đường bộ, lượng khí thải carbon có thể ít hơn 10-20% so với máy bay.

Kayhko là một trong số ngày càng nhiều người gặp tình trạng “flygskam” – thuật ngữ theo tiếng Thụy Điển ám chỉ việc xấu hổ khi bay. Những người này lo lắng kỳ nghỉ của họ tác động xấu đến môi trường. Họ nghĩ kỳ nghỉ xa xỉ bằng máy bay không phải điều đáng tự hào, thay vào đó, họ chọn những chuyến đi ngắn bằng đường bộ, đường sắt và ưu tiên sử dụng xe đạp.

Kayhko không đi máy bay từ 2018 và đang áp dụng lối sống đó với cả đứa con mới chào đời. Cô nói mình hạnh phúc hơn khi ngồi trên tàu trong hai ngày thay vì bay trong hai giờ. Trong số bạn bè, Kayhko nhận thấy ngày càng nhiều người ủng hộ lối sống này nhưng nhiều người khác cũng không thích.

Báo cáo từ một số quốc gia châu Âu như Hà Lan, Đức cho thấy một bộ phận trong xã hội đang tìm cách giảm tác động xấu của việc đi lại tới môi trường bằng cách giảm thiểu các chuyến đi hoặc bù đắp năng lượng carbon. Ví dụ, họ có thể bù đắp carbon từ trồng rừng, đầu tư vào các nhà máy năng lượng tái tạo. Các thống kê chỉ ra 8-10% lượng khí thải carbon do ngành du lịch gây ra – 50% trong số này tới từ du lịch hàng không. Trái Đất được nghỉ ngơi trong thời gian ngắn vì Covid-19 nhưng hiện tại, du khách đã trở lại.

Máy bay bay qua dãy Alps. Ảnh: Ahmet Tonel

Máy bay bay qua dãy Alps. Ảnh: Ahmet Tonel

Hồi tháng 5, Diễn đàn Kinh tế Thế giới báo cáo du lịch đã trở lại mức trước đại dịch và sẽ tăng trưởng, đặc biệt là ở Châu Á – Thái Bình Dương. Ở khu vực này, cơ sở hạ tầng chưa bắt kịp phương Tây và di chuyển qua biên giới không thuận tiện như trong khối EU, thái độ của người dân với du lịch có trách nhiệm chưa cao.

Năm 2023, Trip.com Group báo cáo 85% khách Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của du lịch bền vững, 60% lo ngại về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc chưa quen với ý tưởng trả tiền cho các chuyến đi bền vững – ví dụ chi tiền đền bù carbon cho những chuyến bay. Mọi chuyến đi đều tạo tác động tiêu cực tới môi trường nhưng ngành du lịch lại có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế. Do đó, cắt bỏ hoàn toàn máy bay hay những yếu tố gây hại rất khó.

Vài năm gần đây, khái niệm du lịch có trách nhiệm dần phổ biến. Người đi du lịch ngày càng muốn đưa ra các lựa chọn có ý thức hơn với môi trường, thậm chí đem đến tác động tích cực cho điểm đến. Tuy nhiên, bản chất của du lịch vẫn là vui vẻ, đôi khi là vô trách nhiệm. Câu hỏi đặt ra là làm sao để đưa ra lựa chọn hợp lý, giúp mọi người vẫn thấy thư giãn và không phải sa đà vào những vấn đề thế giới họ chẳng thể giải quyết.

Chris Haslam, phóng viên du lịch của The Times, tin tính bền vững là lựa chọn có thể thay thế cho du lịch xa xỉ. “Tại sao bạn phải ăn đậu thay vì bánh kem?”, ông nói.

Mấu chốt của vấn đề là cần định nghĩa lại du lịch có trách nhiệm cũng tốt như chiếc bánh kem. Nhận thức về mặt xã hội, môi trường có thể mang đến trải nghiệm du lịch tốt hơn, chẳng hạn thông qua những tương tác sâu hơn với điểm đến, người dân hay tham gia các hoạt động tốt cho môi trường. Ông ví dụ khi tới Sa Pa, du khách nên thuê hướng dẫn viên cho một chuyến đi bộ đường dài từ một công ty đào tạo người dân địa phương làm du lịch.

Hay tại khu trại Cardamom ở Campuchia, doanh nghiệp du lịch nỗ lực giữ đất khỏi bàn tay của những kẻ săn trộm, đốn gỗ, nạo vét cát. Họ không xây dựng trại Cardamom theo mô hình trại huấn luyện. Thay vào đó, khách ngủ trong một chiếc lều sang trọng, tận hưởng các hoạt động như kayak, ngắm động vật hoang dã tại công viên quốc gia Botum Sakor lớn nhất Campuchia.

Một trong những chiếc lều ở Cardamom. Ảnh: Cardamom Tented Camp

Một trong những chiếc lều ở Cardamom. Ảnh: Cardamom Tented Camp

Theo Kevin Phun, nhà sáng lập công ty tư vấn du lịch Centre for Responsible Tourism Singapore, nói các công ty lữ hành, tập đoàn cung cấp dịch vụ lưu trú, có thể góp sức cho những hoạt động này. Bên cạnh nỗ lực giảm nhựa dùng một lần hay tìm nguồn thực phẩm tại địa phương, các đơn vị này cần cho du khách thấy họ đang tạo nên khác biệt thế nào với điểm đến.

Khi nhận thức rõ về du lịch bền vững, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ thay đổi. Ông Phun nhận thấy ngành MICE (du lịch hội họp, khen thưởng) tại Singapore đang nhận được nhiều yêu cầu về tính bền vững hơn. Thế hệ Z và thiên niên kỷ quan tâm đến câu chuyện này nhiều hơn những người sinh vào những năm 1960, 1970 – chủ yếu quan tâm đến các vấn đề như công lý, bình đẳng và đạo đức.

Người trẻ cũng có xu hướng lựa chọn các hình thức du lịch thân thiện với môi trường, ví dụ xe buýt hạng sang đi Malaysia đang được người trẻ Singapore ưa chuộng, giá mỗi chuyến xe khoảng 50 USD mỗi chiều – rẻ hơn một chuyến bay giá rẻ nhưng giảm tới 75% lượng khí thải carbon.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều quan tâm đến tính bền vững. “Đó là thực tế, chúng ta chỉ có thể thay đổi hành vi hiệu quả khi cho du khách thấy lợi ích đem lại với họ”, Clara Lock, cây viết của Straits Times nói.

Kayhko thừa nhận máy bay rõ ràng là lựa chọn hợp lý với người như mình vì có nhiều công việc cần di chuyển xa. Tuy nhiên, với những đứa con mới 5 và 7 tuổi, cô muốn dạy chúng về sự kỳ diệu của du lịch, đặc biệt là những chuyến du lịch chậm.

“Chúng tôi không thể bỏ hoàn toàn việc bay nhưng sẽ không biến nó trở thành thói quen”, cô nói, đồng thời cho biết sẽ giáo dục để bọn trẻ có thái độ trân trọng hơn với mỗi chuyến bay.

Với Lock, cô nhớ trong thời gian dịch, chuyến bay là điều hiếm hoi. Cuối năm 2021, vaccine được phổ cập và những người đầu tiên trở lại máy bay đã rơi nước mắt khi áp mặt vào cửa sổ, vui sướng khi bay trên bầu trời một lần nữa.

Những chuyến bay sẽ trở nên đặc biệt hơn khi du khách không còn vội vã làm điều đó vào mỗi kỳ nghỉ dài. Lock tin đó là cách tiếp cận tốt để giúp việc đi lại bằng máy bay được kiểm soát thay vì quá cực đoan. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu bằng thói quen không ăn thịt vào thứ hai để tiến tới ăn chay.

“Bay như một thú vui, đừng như thói quen. Hãy để mỗi lần bay trên bầu trời là sự ngạc nhiên thay vì xấu hổ”, cô nói.

Hoài Anh (Theo The Straits Times)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin