Hãng máy bay Lockheed Martin cùng tổ chức Filecoin muốn đưa blockchain vào tàu vũ trụ để xây dựng Internet phi tập trung trong không gian.
Tại sự kiện bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), Filecoin Foundation cho biết đang kết hợp với Lockheed Martin để tạo một mạng lưới blockchain mã nguồn mở có thể truy cập trong không gian. Thử nghiệm đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 8, theo CoinDesk.
Công nghệ blockchain được sử dụng trong dự án này dựa trên giao thức IPFS, còn gọi là hệ thống tệp liên hành tinh (Interplanetary File System). Giao thức IPFS cho phép các nút mạng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với tốc độ cao, hiện được Filecoin ứng dụng trong thanh toán số và một loại tiền mã hóa cùng tên.
Khi đưa vào không gian, giao thức này hỗ trợ việc truyền tải và lưu trữ thông tin để tạo nên một mạng lưới giống Internet, nhưng phi tập trung và ít phụ thuộc Trái đất hơn.
Theo Marta Belcher, Chủ tịch Filecoin Foundation, mô hình Internet tập trung hiện hoạt động không hiệu quả trong không gian. “Mỗi khi bạn nhấp chuột, dữ liệu sẽ được truy xuất từ một máy chủ ở một địa điểm cụ thể nào đó. Như vậy, nếu người dùng đang ở trên Mặt trăng, việc truy cập sẽ gặp độ trễ hàng giây do dữ liệu được truyền từ Trái đất”, Belcher nói. Với IPFS, dữ liệu sẽ không được truy xuất dựa trên vị trí, mà được truy xuất từ bất cứ thứ gì gần người dùng nhất, vì vậy giảm độ trễ.
“Chúng tôi cần phát triển công nghệ để có thể ở lâu trong không gian mà không cần phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin liên lạc và lưu trữ dữ liệu trên Trái đất”, Joe Landon, Phó chủ tịch Lockheed Martin Space, cho biết. Theo Landon, bằng cách giảm số lần dữ liệu phải truyền tới Trái đất và quay trở lại không gian, mô hình lưu trữ phi tập trung IPFS giúp truyền và liên lạc hiệu quả hơn trong không gian, giảm rủi ro về thông tin, ví dụ trong trường hợp cần gửi hướng dẫn khẩn cấp.
Theo công bố, trong ít tháng tới, hai hãng sẽ xác định một nền tảng tàu vũ trụ để lưu trữ IPFS, thử nghiệm truyền tải dữ liệu đến và đi từ Trái đất cũng như các tàu vũ trụ khác. Thử nghiệm dự kiến được tiến hành ở không gian quỹ đạo tầm thấp, gần Trái đất trước khi mở rộng phạm vi.
Lưu Quý (theo Spacenews)