So với các đồng tiền trong khu vực, VND đang bị định giá cao so với USD. Tuy nhiên, giữ tỷ giá ở mức nào trong bối cảnh thâm hụt thương mại nhưng vẫn đảm bảo giá trị VND, đây là bài toán khó với Ngân hàng Nhà nước.
Chưa sử dụng hết trần
Kể từ ngày 7/5, theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng, VND chính thức mất giá thêm 432 đồng so với cuối năm 2014 khi ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá lần thứ 2 tăng 1%, sử dụng hết room 2% theo định hướng năm 2015.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ ngày 7/5 đến nay ở mức 21.673 VDN/USD. Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng theo biên độ +/-1%, mức trần – sàn là: 21.456 – 21.890 VND/USD.
Tỷ giá VND/USD đang được ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết ở mức 21.780-21.840 (mua vào – bán ra), chưa đạt ngưỡng trần.
Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do từ đầu năm đến nay đã tăng tương ứng từ mức 21.600 VND/USD lên mức 21.900 VND/USD hiện nay.
“Tỷ giá thị trường tự do hầu như luôn cao hơn tỷ giá niêm yết của các ngân hàng. Có lúc tỷ giá tự do lên tới 21.960 VND/USD”, chủ một tiệm vàng tại quận 5, TP.HCM cho biết.
Mặc dù tỷ giá VND/USD chưa được các ngân hàng sử dụng kịch trần nhưng thị trường vẫn lan truyền “con sóng” tỷ giá cuối năm. Vì hiện trạng đồng USD đang mạnh lên so với các đồng tiền khác.
Từ đầu năm đến nay EUR đã mất giá 11% so với VND, EUR mất giá mạnh so với USD, điều này khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, EU càng khó cạnh tranh về giá, một khi xuất khẩu khó khăn càng tăng thêm mối lo thâm hụt thương mại.
Liệu VND có đứng vững trước “sóng ngầm” tỷ giá?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, VND đang bị định giá khá cao so với giá trị thực của nó. Neo tỷ giá gây thiệt hại cho xuất khẩu về giá. Nhưng thị trường xuất khẩu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chất lượng hàng hóa, vận chuyển, thị hiếu…
Theo lý thuyết ngang giá sức mua, 1kg gạo bán giá 25.000 đồng tại Việt Nam nếu để VND thả nổi ngang bằng sức mua tại Mỹ thì giá gạo có thể lên đến 40.000 đồng/kg. Do vậy, nếu để VND bật lên với mức giá trị thực của nó, không biết bao nhiêu người Việt Nam có thể ăn được một bữa trưa đầy đủ?
Đủ lực ngoại tệ sẵn sàng can thiệp?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Ngân hàng Nhà nước đang phải trả chi phí cho việc giữ giá VND. Tất cả các chi phí đó tạo ra áp lực tỷ giá.
Việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã giữ được niềm tin của doanh nghiệp trong 2 năm qua khi chỉ phá giá VND 2% đúng như cam kết. Những năm trước, sự phá giá VND có lộ trình, chu kỳ phá giá cách nhau 6 -7 tháng, thị trường không biến động nhiều – vẫn ổn.
Nhưng chu kỳ phá giá năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước được rút ngắn và nhanh ngay từ nửa đầu năm đã sử dụng hết room 2% khiến nhiều người lo ngại “sóng” tỷ giá.
Mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc điều hành tỷ giá của ngân hàng Nhà nước trong một lộ trình dài có sử dụng đồng bộ các công cụ như lãi suất, cung tiền, tỷ giá, chứ không tách rời. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng từ mức 35 tỷ USD cuối năm 2014 lên mức 40 tỷ USD (gồm 10 tấn vàng) hiện nay. Việt Nam có lực ngoại tệ để can thiệp khi cần và sẵn sàng can thiệp.
Tuy nhiên, hàng loạt các vấn đề thị trường đang xoay quanh câu chuyện điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Hai năm 2013, 2014, Việt Nam đều xuất siêu lần lượt là 300.000 USD và gần 2 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, năm 2015 tình trạng nhập siêu quay trở lại, dự báo cả năm nay là 6 tỷ USD. Sức ép nhập siêu trong 5 tháng còn lại đang gia tăng khi giá dầu đang trong xu hướng giảm, xuất khẩu trong cơn khó khăn do đồng USD mạnh…
Tính trong 7 tháng đầu năm, nguồn thu từ ngân sách năm nay cũng giảm gần 33% do giá dầu giảm và nhập siêu 3,4 tỷ USD (6 tháng là 3,75 tỷ USD).
Mặt khác, Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), cán cân thương mại có sự cải thiện, vốn FDI giải ngân có xu hướng tăng, vốn FDI giải ngân đạt 7,4 tỷ USD. Nguồn kiều hối đổ về năm nay ước lên tới 13-14 tỷ USD (riêng TP.HCM là 5,5 tỷ USD) sẽ đỡ cho gánh nặng nhập siêu.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cho biết, sức ép từ nhập siêu, từ nguồn thu dầu thô giảm lên tỷ giá là có, nhưng vấn đề “khoảng hở” ngoại hối đó đã được bảo trợ từ nguồn lực dự trữ ngoại hối đang tăng lên.
Cân đối ngoại tệ từ phía hoạt động ngân hàng, theo ông Nhung, doanh nghiệp vay USD thì phải có nguồn USD để trả nên áp lực về ngoại tệ trong tổng cung- cầu được cân đối. Trong một chu kỳ nguồn USD từ xuất khẩu hàng hóa phải nhiều hơn nhập khẩu, doanh nghiệp mới có lãi.
Do vậy, chỉ có áp lực USD về thời điểm. Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung ứng đủ ngoại tệ cho các doanh nghiệp cần USD hợp lý thông qua việc bán USD cho các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, ngân hàng có công cụ về ngoại tệ: swap, option, forward để cân đối cung – cầu ngoại tệ trong hệ thống.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, dự trữ ngoại hối quốc gia đủ sức can thiệp thị trường khi có “sóng” tỷ giá. Việc Ngân hàng Nhà nước kiên trì neo tỷ giá ở mức cao chủ đích là ổn định giá trị VND và đảm bảo an sinh xã hội, nhưng về lâu dài cần phải xem xét và cân đối các lợi ích, vì chi phí neo tỷ giá rất lớn.