Khi tôi viết lên những dòng tâm sự này thì tuổi nghề của tôi đã bước sang năm thứ mười hai trong lĩnh vực ngân hàng. Khoảng thời gian đó, với tôi, nó không quá ngắn cũng không quá dài nhưng có điều nó đủ để tôi cảm nhận mọi cảm xúc liên quan đến cái nghề mà trong giới thường quan niệm rằng: “… quỳ thu nợ”.
LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết “Nghề Tài chính – Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang” nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.
Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn.
————————
Dưới đây là bài dự thi của của bạn đọc Phan Hữu Nhiệm – chuyên viên Xử lý nợ của ngân hàng Maritime Bank
Duyên nghề của tôi cũng khá lạ lùng bởi từ cái thời còn là sinh viên ngành luật, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó, khi ra trường tôi lại đến và sống với nghề đó đến tận bây giờ. Nhưng rồi mọi thứ dường như đã được an bài từ trước, sau mấy lần nhảy việc, tôi cũng chính thức bước vào nghề – xử lý nợ ngân hàng. Tôi vẫn nhớ như in đó là tháng 05 năm 2006. Lúc bấy giờ, với sự bỡ ngỡ của kẻ mới bắt đầu làm một công việc hoàn toàn mới mẻ, các khái niệm đòi nợ, thu nợ, xử lý nợ… cứ như một mớ hỗn độn cứ quay cuồng cứ mơ hồ và lạ lẫm lắm.
Ngày đó, những tháng đầu thử việc ở Kiên Giang, tôi được sếp phân công về huyện vùng sâu Giồng Riềng để tác nghiệp cùng anh em nhập môn trước đó. Đó thực sự là một thử thách lớn lao đối với một nhân viên vốn quen sống trong môi trường thành thị. Nhưng với tâm thế sẵn sàng dấn thân, tôi bắt đầu khoảng thời gian sáng xuống nông thôn chiều về thành phố để xử lý các khoản nợ quá hạn cho vay sản xuất nông nghiệp theo sự phân công một cách say mê và quên luôn mệt mỏi. Khoảng thời gian đó với tôi gắn liền với biết bao kỷ niệm về bản thân, về đồng nghiệp và về nhiều số phận con người lớn lên cùng đồng ruộng. Cảm nhận về tính du mục của nghề xử lý nợ trong tôi cũng định hình từ đó và dưới góc nhìn đó, tôi thấy mình không còn là một chiến binh xử lý nợ như ai đó đã từng quan niệm mà nhẹ nhàng hơn tôi như những cánh diều – cánh diều du mục, đó cũng là tên một bài thơ tôi từng viết trên bước đường tác nghiệp, xin chia sẻ một đoạn như sau:
Diều vẫn cứ bay về phương đó
Từ chốn thân quen đến lạ lùng
Từ khi son trẻ đến già cội
Một mình cứ thế bước ung dung…
Công việc xử lý nợ nông nghiệp gắn liền với việc di chuyển trên một địa bàn nông thôn rộng lớn và gặp gỡ những con người vốn thật thà, chất phác nhưng chẳng may mất mùa hoặc rớt giá nông sản dẫn đến mất khả năng trả nợ. Trong hoàn cảnh đó, công việc của một nhân viên xử lý nợ không có gì khác hơn là cùng người nông dân tìm ra giải pháp tốt nhất và nhanh nhất để thanh lý khoản nợ. Việc này vừa có lợi cho ngân hàng nhưng cũng vừa có lợi cho khách hàng vay bởi nếu để lâu thì lãi quá hạn phát sinh nhiều và ngân hàng cũng phải gánh trên mình một tỷ lệ nợ quá hạn nhất định. Tôi bắt đầu dần thấy ý nghĩa công việc xử lý nợ ngân hàng của mình từ đó.
Xem tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Có lẽ, tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác khi vừa được nhận vào làm việc chính thức, tôi lại có cơ hội để trải nghiệm gần như toàn diện hoạt động xử lý của ngân hàng lúc bây giờ. Tôi được phân công phụ trách một địa bàn rộng lớn, đa dạng về sản phẩm cho vay và tất nhiên, nó cũng đa dạng về phương thức xử lý nợ.
Các khái niệm rút gọn như nợ nông nghiệp, nợ công thương, nợ tín chấp… dần quen thuộc một cách tự nhiên khi tần suất của nó cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các báo cáo, tờ trình và văn bản nội bộ khác có liên quan. Rồi tiếp đến là khởi kiện, thi hành án, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản… cứ như cái bóng luôn đeo đẳng tôi từ năm này qua năm khác. Từ đó, có thể nói công việc xử lý nợ ngân hàng nói chung chỉ gồm hai mảng là tố tụng và phi tố tụng nhưng chứa đựng trong đó rất nhiều các vấn đề phát sinh mà một cá nhân không bao giờ đảm đương nổi. Do đó, hoạt động xử lý nợ ngân hàng luôn là hoạt động phối hợp giữa nhiều bộ phận, nhiều cá nhân liên quan mà nhân viên xử lý nợ chỉ giữ vai trò tiên phong trong hoạt động đó.
Nghề xử lý nợ ngân hàng của tôi cũng lắm thăng trầm đúng như hình ảnh cánh diều du mục mà tôi đã chia sẻ ở trên. Diều muốn căng gió trên không trung thì phải có một điểm cố định trên mặt đất cũng giống như nghề muốn thành công phải có những giá trị cốt lõi mang tính vững bền. Còn chất du mục chẳng qua là biểu hiện của những đổi thay mang tính thử thách của nghề nghiệp trong một môi trường mà ở đó mọi thứ đều vận động để tiến lên.
Hơn mười năm qua, tôi đã trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau nhưng nghề xử lý nợ ngân hàng dường như là cái nghiệp cứ mãi theo tôi cho dù có những lúc, những nơi tôi muốn rời xa nó. Câu chuyện của tôi, câu chuyện về nghề xử lý nợ ngân hàng, câu chuyện của những tâm hồn du mục sẽ còn kéo dài bất tận nhưng xin tạm kết lại tại đây bằng mấy câu thơ về nghề của tôi như sau:
Bây giờ nhìn lại những ngày qua
Cuộc đời dâu bể quá ư là
Cảm trong nghề ấy nhiều cung cách
Năm đường bảy ngả vạn sắc hoa…