Cả chủ thẻ và tổ chức phát hành thẻ tín dụng vẫn còn lúng túng không rõ thời gian nào xác lập nợ quá hạn đối với các khoản vay từ thẻ tín dụng.
Đủ kiểu nợ xấu thẻ
Văn phòng một bộ ngành Trung ương tại TP.HCM đã từng phải đứng ra trả nợ thay cho nhân viên của mình dùng thẻ tín dụng Vietcombank chi tiêu nhưng chây ì không trả nợ làm nợ xấu phát sinh. Nguyên do, trước đó đơn vị này đã ký giấy tờ bảo lãnh chứng minh thu nhập hàng tháng cho nhân viên của mình để Vietcombank cấp hạn mức phát hành thẻ tín dụng. Theo đó, chủ thẻ đã thanh toán một khoản mua tivi và một số thiết bị gia dụng trị giá 20 triệu đồng tại một điểm bán lẻ hàng hóa ở TP.HCM.
Theo quy định sau 45 ngày miễn lãi suất, chủ thẻ phải trả vốn vay đã mua hàng hóa, nhưng chủ thẻ đã không trả nợ và khoản nợ bắt đầu bị tính lãi suất từ ngày thứ 46 và cộng dồn lên hơn 300 ngày chây ì đẩy số tiền vốn và lãi lên hơn 20 triệu đồng. Vietcombank chi nhánh TP.HCM đã phải nhờ đến cơ quan để bảo lãnh thu nhập, trừ tiền lương hàng tháng của chủ thẻ, mới thu hồi được nợ gốc và lãi phát sinh.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều các trường hợp con nợ chây ì không trả nợ khi sử dụng thẻ tín dụng. Nhưng cũng có trường hợp chủ thẻ tín dụng bị hệ thống công nghệ tự động chuyển nhóm nợ khi chưa chi tiêu hay chưa đóng phí thường niên…
Các NH khuyến nghị người dân dùng thẻ tín dụng chú ý những tin nhắn nhắc trả nợ để không bị phí phạt và lãi suất cao
Anh Vũ Trần (TP.HCM) được biết đến thẻ tín dụng qua một chương trình mở thẻ của một NH nước ngoài đóng tại TP.HCM qua điện thoại viên. Theo anh Vũ nhân viên tiếp thị thẻ tín dụng giới thiệu sau khi kích hoạt thẻ trong vòng 30 ngày sẽ được tặng vali và nhận phí thường niên 350.000 đồng theo hình thức hoàn tiền trong khoảng một đến hai tháng tiếp theo. Anh Vũ vừa kích hoạt thẻ tín dụng đã bị tính 350.000 đồng dư nợ và phải đóng tối thiểu theo quy định của tổ chức phát hành thẻ này là 50.000 đồng (gần 15% trên dư nợ). “Mình không đóng vì ghét chưa xài đã đóng 50.000 đồng, nên bỏ qua tháng tiếp theo bị báo dư nợ 632.000 đồng, trong đó có 200.000 đồng tiền phạt thanh toán 50.000 đồng dư nợ quá hạn tháng trước và lãi suất. Vậy là bây giờ muốn kết toán thẻ không xài nữa phải mất 632.000 đồng?”, anh Vũ nói.
Thẻ tín dụng là một hình thức NH phát hành thẻ cho người dùng dựa trên chứng minh thu nhập tiền lương, thu nhập tiền công lao động. Đối với những người không có công việc ổn định, nhưng có thu nhập từ tiền cho thuê xe, thuê nhà… NH vẫn phát hành thẻ tín dụng với điều kiện chứng minh được dòng tiền đó đi qua NH. Theo đó, thẻ tín dụng khuyến khích người dùng thanh toán và tận dụng 45 ngày đầu tiên không tính lãi suất, có NH thì tính 60 ngày. Tùy vào mức chứng minh thu nhập của người dùng thẻ, NH sẽ cấp hạn mức cho vay bằng khoảng 70-80% thu nhập hàng tháng để thanh toán mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong chu kỳ nợ.
Dùng thẻ tín dụng bao gồm các khoản phí thường niên, lãi suất thẻ tín dụng (qua chu kỳ ưu đãi 45 ngày đầu) phổ biến ở mức 18%/năm, nếu chây ì trả nợ phí phạt chậm trả 4%, phí rút tiền mặt ở cây ATM cũng có mức tương đương phí phạt. Phí thường niên thẻ tín dụng của các NHTM trong nước hiện có mức thu từ 350.000-500.000 đồng/năm, các tổ chức phát hành thẻ quốc tế và NH ngoại phí này từ 1,3-1,8 triệu đồng/năm. Tuy nhiên phí thẻ tín dụng của các tổ chức quốc tế cao nhưng các tổ chức phát hành thường khuyến mãi trực tiếp bằng tiền từ 5% – 10% trên một hóa đơn thanh toán nên nếu chi tiêu nhiều chủ thẻ dư tiền phí thẻ thường niên.
Phân loại nợ theo ngày
Lãnh đạo các NHTM cho biết, dùng thẻ tín dụng chính là chủ thẻ đang đi vay tiền ưu đãi lãi suất chu kỳ đầu, chứ không phải tiền của mình có sẵn như trong tài khoản NH. Trong hồ sơ mở thẻ tín dụng các NHTM hoặc các tổ chức tài chính phát hành thẻ thường khuyến khích dùng thẻ tín dụng thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ. Người dùng thẻ tín dụng là mua hàng trước trả tiền sau, tuy nhiên cần lưu ý đây là thẻ tín dụng chứ không phải là thẻ ATM, bởi rút tiền mặt ở ATM sẽ chịu phí rất cao so với khi dùng thẻ tín dụng.
Tổng giám đốc một NHTM tại TP.HCM cho hay, thời gian qua các NHTM gặp phải rất nhiều vấn đề xung quanh nợ quá hạn từ thẻ tín dụng, chủ yếu do chủ thẻ chưa có đủ thông tin về khoản vay qua thẻ. Nhiều khách hàng cứ mạnh tay chi tiêu, không chú ý ngày nhắc nợ để trả nợ nên phát sinh nợ quá hạn. Thông thường lãi suất phát sinh nợ quá hạn bình quân một khoản vay một ngày cho một khoản chi tiêu vài chục triệu đồng khoảng 150.000-200.000 đồng. Nhưng nhiều khi các chủ thẻ để cả tháng thì dẫn đến những tranh cãi về cách tính nợ, thậm chí khiếu nại NH, gây ra những hiểu lầm về tính năng tiện dụng của thẻ tín dụng.
Theo các NHTM, hầu hết các khoản nợ xấu phát sinh từ thẻ tín dụng chỉ vài ba chục triệu, nhưng lại gây mất uy tín cho các tổ chức phát hành thẻ và dẫn đến ngại dùng thẻ. Trong khi cho vay qua phát hành thẻ có thể tiết giảm chi phí để NH có thể giảm lãi suất và đặc biệt người vay không phải thế chấp tài sản mà lại có hàng hóa sử dụng ngay.
Ví dụ, người tiêu dùng mua một chiếc điện thoại giá 10 triệu đồng sẽ có 45 ngày không tính lãi suất, trong 15 ngày cuối tổ chức phát hành thẻ sẽ nhắc nợ bằng tin nhắn SMS, email… Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng hàng hóa ngay mà không phải chờ đến tháng lương, hoặc khi có thu nhập đủ mới mua sắm hàng hóa. Theo Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC), hiện nay, CIC đang thực hiện phân loại nợ theo ngày đối với các khoản vay theo hình thức phát hành thẻ tín dụng.
Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh Thanh tra, giám sát NH (NHNN), cho biết cách thức xử lý nợ xấu đối với các hình thức cấp tín dụng qua phát hành thẻ được quy định tại khoản 1, điều 1 Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Trong thông tư này có hai trường hợp là dư nợ phát sinh dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng và căn cứ vào hợp đồng phát hành thẻ với khách hàng để NH tính nợ quá hạn, thời hạn quá hạn nợ khi nào, từ đó TCTD quy vào nhóm nợ và thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo tỷ lệ đối với từng nhóm nợ.