Ông ngoại của Musk là một nhân vật kỳ quặc nhưng xuất chúng, và cũng là hình mẫu cho Musk.
Người ông xuất chúng và kỳ quặc
Suốt thời thơ ấu, bọn trẻ luôn trêu chọc Musk vì cái tên khác thường của anh. Tên Elon của anh được lấy từ người cụ cố John Elon Haldeman- sinh năm 1872 và lớn lên tại Illinois, trước khi chuyển đến Minnesota. Ở đó cụ gặp Almeda Jane Norman, người vợ kém cụ năm tuổi. Đến năm 1902, hai vợ chồng yên bề gia thất trong một ngôi nhà gỗ tại thị trấn Pequot, trung tâm Minnesota và hạ sinh người con trai Joshua Norman Haldeman, ông ngoại của Musk. Khi trưởng thành, ông trở thành một nhân vật kỳ quặc nhưng xuất chúng, và cũng là hình mẫu cho Musk.
Gia đình cụ cố John Elon Haldeman.
Joshua Norman Haldeman được mô tả như một cậu trai cường tráng và tự lập. Năm 1907, gia đình ông chuyển đến thảo nguyên Saskatchewan; cha ông mất sau đó không lâu khi Joshua chỉ mới bảy tuổi, khiến cậu bé phải sớm phụ giúp gia đình. Ông gắn bó với miền đồng cỏ rộng lớn và tập cưỡi ngựa hoang, quyền anh và đấu vật. Ông chuyên huấn luyện ngựa cho các điền chủ trong vùng, thường tự làm mình bị thương và là một trong những người tổ chức cuộc thi rodeo đầu tiên tại Canada. Trong các bức ảnh gia đình, Joshua thường mặc một chiếc quần da sặc sỡ, trình diễn kỹ xảo tung thòng lọng của mình. Đến tuổi thiếu niên, Haldeman rời nhà để theo học ngành Nắn xương khớp tại Trường Palmer, Iowa, rồi trở về Saskatchewan làm chủ trang trại.
Khi cơn suy thoái kinh tế ập đến vào thập niên 1930, Haldeman lâm vào khủng hoảng tài chính. Ông không đủ sức duy trì các khoản vay ngân hàng để mua trang thiết bị, và 5 nghìn mẫu Anh đất đai đã bị tước đi. “Kể từ đó, cha tôi không còn tin tưởng ở ngân hàng hay muốn nắm giữ tiền bạc nữa”, Scott Haldeman – người nhận bằng bác sĩ nắn xương tại ngôi trường nơi cha ông theo học, và trở thành một trong những chuyên gia về bệnh cột sống hàng đầu thế giới cho biết.
Sau khi để mất trang trại vào khoảng năm 1934, Haldeman sống cuộc đời du cư, một tình cảnh mà cháu trai ông đã tái hiện ở Canada những thập kỷ sau đó. Với chiều cao đến mét chín, ông xin làm những công việc lặt vặt như Công nhân xây dựng hay người biểu diễn rodeo trước khi ổn định với nghề nắn xương khớp.
Đến Nam Phi
Năm 1948, Haldeman kết hôn với Winnifred Josephine Fletcher (còn gọi là Wyn), một vũ sư người Canada, và mở một phòng mạch nắn xương khớp rất phát đạt. Trong cùng năm đó, gia đình – vốn đã có một trai một gái – tiếp tục chào đón cặp chị em sinh đôi Kaye và Maye (tức mẹ của Musk). Bọn trẻ sống trong một căn hộ ba tầng và rộng đến 20 phòng, trong đó có một phòng tập nhảy để Wyn tiếp tục huấn luyện học viên.
Trong lúc tìm kiếm điều gì đó mới mẻ để làm, Haldeman đã chọn thú vui bay lượn và mua một chiếc phi cơ riêng. Gia đình ông bị mang tiếng vì người ta nghe đâu Haldeman và vợ ông thường nhét con cái vào chiếc máy bay một động cơ và lao vào những cuộc du ngoạn trên khắp Bắc Mỹ. Haldeman cũng thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp chính trị hoặc hẹn nắn xương khớp ngay trên máy bay, và sau này đã cùng vợ viết một quyển sách nhan đề The Flying Haldemans: Pity the Poor Private Pilot (Nhà Haldeman bay: Đáng thương thay người phi công tư).
Năm 1950, khi dường như đã có mọi thứ trong tay, Haldeman lại quyết định ném đi tất cả. Vị chính trị gia kiêm bác sĩ này từ lâu đã luôn lên tiếng chống lại hành động can thiệp của chính phủ đối với cuộc sống của người dân, và cho rằng thể chế quan liêu ở Canada quá nhũng nhiễu. Là người cấm tiệt trò văng tục, hút thuốc, Coca-Cola và bột mì tinh luyện ở nhà mình, Haldeman tin rằng phẩm chất đạo đức của người Canada đã bắt đầu tha hóa. Haldeman cũng có một khát khao phiêu lưu vô tận. Thế nên chỉ trong vài tháng, gia đình ông đã bán nhà, phòng tập nhảy cùng phòng mạch nắn xương khớp và quyết định chuyển đến Nam Phi – đất nước Haldeman chưa từng đặt chân đến.
Scott Haldeman còn nhớ ông đã giúp cha mình tháo rời chiếc máy bay Bellanca Cruisair (đời 1948) của gia đình và xếp vào thùng gỗ trước khi chuyển nó đến châu Phi. Khi đến Nam Phi, cả gia đình đã ráp lại chiếc máy bay và dùng nó lùng sục khắp đất nước để tìm một nơi an cư tốt đẹp; cuối cùng, họ dừng chân tại Pretoria, nơi Haldeman lập một phòng nắn xương khớp mới.
Cuộc đời phiêu lưu
Có vẻ như tinh thần phiêu lưu của gia đình Haldeman không có giới hạn. Năm 1952, Joshua và Wyn đã thực hiện chuyến hành trình hơn 35.000 km bằng máy bay của họ, bay qua châu Phi tới Scotland và Na Uy. Wyn giữ vai trò hoa tiêu, và tuy không có bằng phi công, vẫn thỉnh thoảng kiêm luôn nhiệm vụ lái máy bay. Năm 1954, hai vợ chồng đã đưa nỗ lực của họ đến đỉnh cao, khi bay hơn 48.000 km đến nước Úc rồi quay về. Báo chí đưa tin về chuyến hành trình của họ, và tin rằng họ là cặp phi công tư nhân duy nhất từng bay từ châu Phi đến châu Úc trên một chiếc máy bay một động cơ.
Khi không mải bay lượn, nhà Haldeman lại tìm đến những miền đồng cỏ xa xôi, thực hiện những chuyến thám hiểm vĩ đại suốt cả tháng trời để tìm kiếm Thành phố Thất lạc trên Sa mạc Kalahari – một thành phố được cho là bị bỏ hoang ở phía nam châu Phi. Trong bức ảnh gia đình chụp một chuyến du ngoạn như thế là cảnh năm đứa trẻ đang ở giữa đồng cỏ châu Phi. Chúng vây quanh một chiếc ấm kim loại lớn được đun nóng trên than hồng lửa trại, ngồi trên ghế xếp, bắt chéo chân và đọc sách với vẻ thư thái. Phía sau là chiếc Bellanca màu đỏ ruby, một chiếc lều và một chiếc xe hơi. Nhưng khung cảnh thanh bình đó không nói lên được chuyến hành trinh nguy hiểm ra sao.
Trong một sự cố, chiếc xe tải của gia đình đã đâm vào gốc cây, khiến thanh cản trước xuyên vào bộ tản nhiệt. Mắc kẹt giữa nơi vô định mà không có phương tiện liên lạc nào, Joshua phải dành ba ngày trời để sửa xe, trong khi các thành viên còn lại săn tìm thức ăn. Có những lúc, linh cẩu và báo đốm vây quanh đống lửa trại suốt đêm; và một buổi sáng, cả gia đình thức giấc chợt thấy một con sư tử chỉ cách bàn ăn của họ chừng một mét. Joshua vớ ngay lấy thứ đầu tiên ông tìm được- một chiếc đèn ngủ- khua liên hồi, và bảo nó hãy đi đi. Và nó đã bỏ đi.
Haldeman mất năm 1974 ở tuổi 72. Khi đó, ông đang hạ cánh trên chiếc phi cơ của mình và không nhìn thấy sợi dây điện mắc giữa hai cây cột. Sợi dây vướng vào bánh máy bay và làm nó lật nhào, còn Haldeman bị gãy cổ. Elon khi ấy chỉ mới chập chững tập đi. Nhưng suốt thời thơ ấu, Elon đã nghe kể nhiều câu chuyện về các chiến tích của ông ngoại anh, và ngồi xem mê mệt vô số bức ảnh chiếu lại những chuyến viễn du và hành trình của ông trên miền đồng cỏ.
“Bà tôi kể lại rằng họ đã có vài lần suýt chết trong những chuyến đi của mình,” Musk nói. “Họ cứ thế bay mà hoàn toàn không có thiết bị gì – kể cả radio liên lạc; họ chỉ có bản đồ đường bộ thay cho bản đồ hàng không, trong đó một số cái thậm chí còn không chính xác. Ông tôi có niềm khao khát thám hiểm, khám phá và làm những điều điên rồ.” Elon tin rằng khả năng chịu đựng rủi ro khác thường của anh có thể đã thừa hưởng trực tiếp từ người ông của mình.
(Tham khảo: Elon Musk: Tesla, SpaceX, and the Quest for a Fantastic Future)