Xuất khẩu thủy sản “ngấm đòn” vì tỷ giá?

Việc Trung Quốc phá giá Đồng Nhân dân tệ hồi đầu tháng 8 có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bởi không chỉ Nhân dân tệ mà các đồng tiền khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan… cũng được phá giá để tăng sức cạnh tranh, khiến hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn trên các thị trường.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 8/2015, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục gặp khó khăn; giá trị xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ USD; giảm 10,7% so với tháng trước và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, kết quả đạt được trong tháng 8 đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng ước đạt gần 19,3 tỷ USD; giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 4 tỷ USD; giảm 34,4% so với cùng kỳ.

Trao đổi với phóng viên về kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng năm 2015 giảm mạnh, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng vẫn tăng nhưng do xuất khẩu tôm thẻ chân trắng giảm nên kim ngạch xuất khẩu giảm.

Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng ước đạt 4,3 triệu tấn; tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014. Tháng 8 thời tiết khá thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản nên sản lượng khai thác ước đạt 258 nghìn tấn; đưa sản lượng khai thác 8 tháng đạt 1.988 nghìn tấn; tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 332 nghìn tấn; giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, sản lượng nuôi trồng đạt 2.269 nghìn tấn; tăng 1,9% so với cùng kỳ…

“Tuy nhiên, do thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn nên thời vụ thả tôm bị chậm so với bình thường 2 tháng nên diện tích nuôi thả tôm bị giảm” – ông Điền lý giải.

Cụ thể, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 640.000 ha; sản lượng đạt gần 314,4 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước đạt 63.000 ha, giảm 10%; sản lượng ước đạt 154.000 tấn, giảm 17,6% so với cùng kỳ.

Theo ông Điền, diện tích nuôi thả tôm giảm dẫn đến giá trị xuất khẩu từ tôm trong 8 tháng qua cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, thông thường xuất khẩu tôm hay rơi vào cuối năm do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng lên, phục vụ cho các ngày lễ lớn.

Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như Mỹ, EU cũng giảm. Ông Điền cho biết, hiện Tổng cục Thủy sản cũng đang tiến hành phân tích và đánh giá nguyên nhân để tìm cách khắc phục.

“Vừa qua, Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu tôm sú của Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc hai phía và khai thông được thị trường này. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng đang tích cực đàm phán với các tổ chức quốc tế về việc công nhận chất lượng thủy sản Việt Nam” – ông Điền thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, cần xúc tiến mở rộng thị trường. Thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu được sang rất nhiều thị trường, trong đó có những thị trường lớn và khó tính.

Đối với thị trường Liên bang Nga hay Liên minh kinh tế Á Âu, sau khi đàm phán FTA với Việt Nam, Liên minh này đã mở cửa thêm cho 4 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đồng thời, ông Tiệp cũng cho rằng, việc Trung Quốc phá giá Đồng Nhân dân tệ hồi đầu tháng 8 có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bởi không chỉ Nhân dân tệ mà các đồng tiền khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan… cũng được phá giá để tăng sức cạnh tranh, khiến hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn trên các thị trường.

“Mặc dù Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã thực hiện nới biên độ tỷ giá tiền Đồng nhưng theo tôi thấy các nước khác còn phá giá tiền mạnh hơn để tăng sức cạnh tranh, tăng kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa nước mình” – ông Tiệp nói.

Theo ông Tiệp, như mọi năm, nhu cầu tiêu thụ thủy sản thường tăng cao vào khoảng tháng 10 Âm lịch, đặc biệt là dịp Giáng sinh. Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam vốn được ưa chuộng trên thị trường thế giới nên ông kỳ vọng xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin