Yến sào phân thành nhiều loại nhưng được đồn đãi là quý hiếm và có giá trị nhất vẫn là yến huyết. Chính điều này đang tạo ra một thị trường yến huyết hỗn loạn và chất lượng của yến huyết cũng mang tính… hên xui.
Mua yến huyết, trúng rong biển!
Tương truyền thì yến huyết rất quý hiếm và chỉ để tiến cung. Những lời truyền miệng kiểu vua Minh Mạng hay Tần Thủy Hoàng đều ăn yến thay cơm hằng ngày càng làm cho yến huyết trở thành niềm khao khát của nhiều người hiện nay.
Yến sào có nhiều loại nhưng quý nhất là yến huyết.
Nắm bắt tâm lý này, giới kinh doanh không từ thủ đoạn để tung hàng yến huyết chất lượng kém, hàng giả để bịp người tiêu dùng. Hậu quả là nhiều người đã bỏ ra từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để rước một lạng yến huyết “dỏm” về nhà mà không hề hay biết.
Như trường hợp chị Ngân (ngụ P.Tân Kiểng, Q.7) đã phải nhận quả đắng sau khi bỏ ra 25 triệu đồng mua tổ yến huyết hàng dỏm. Chị cho biết: “Nghe giới thiệu ngon ngọt quá tôi mua gần 20 tai yến giá 25 triệu đồng. Nào ngờ là hàng dỏm bởi đây là yến vụn ép khuôn, tẩm màu mà thôi. Sợi yến huyết đỏ là do nó làm giả từ rong biển, thật đúng là bất lương mà”.
Loạn thị trường từ những lời đồn thổi
Tổ yến huyết loại có máu đỏ tươi, có mép viền trắng được đánh giá là thượng hạng. Tuy nhiên, theo những người thợ sào chĩa tìm kiếm tổ yến cho biết, tổ yến huyết nói trên là vô cùng hiếm gặp. Mỗi mùa thu hoạch ở vùng được mệnh danh là trời ban cho “vàng trắng” – yến sào như Nha Trang thì chỉ được vài trăm tổ là nhiều.
Quý hiếm là thế nhưng thực tế cho thấy việc tìm mua yến huyết dễ như mua… rau, cá, thậm chí muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Ngay thủ phủ của “vàng trắng” – yến sào là TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chuyện tìm mua yến huyết chẳng khó khăn gì.
Giá trị của yến huyết rất lớn, 1kg yến huyết hàng chuẩn có thể lên đến cả trăm triệu đồng.
Nhiều người đọ giá yến huyết ngoài chợ thấy rẻ, lại thêm chiêu dụ khách hàng của các tiểu thương nên đã tin rồi bỏ tiền ra mua. Khả năng vớ phải hàng dỏm, kém chất lượng là rất lớn.
Dù không ít thủ đoạn làm giả tổ yến, yến huyết từ bột mì và các hóa chất độc hại cũng từng bị phanh phui, thế nhưng thị trường “chợ đen” yến huyết vẫn sôi động. Bởi giá trị của yến huyết rất lớn, 1kg yến huyết hàng chuẩn có thể lên đến cả trăm triệu đồng nên gian thương không từ thủ đoạn để lọc lừa người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu.
Người tiêu dùng hiện nay chỉ cần đảo qua khu Hải Thượng Lãn Ông (còn được biết đến là khu phố đông dược nổi tiếng tại TP.HCM) là có thể tìm mua yến huyết dễ dàng. Tất nhiên, giá cả cũng thượng vàng hạ cám. Các khu chợ Bình Tây, chợ An Đông cũng là nơi có nhiều sạp hàng bày bán yến huyết và các chủ sạp ở đây đều tự tin khẳng định yến huyết của họ là hàng chuẩn và muốn bao nhiêu có bấy nhiêu (?!).
Thậm chí, trên các trang mạng xã hội, hay nhiều website thì yến huyết cũng được rao bán với đủ hình thức, giá tiền khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy rối như canh hẹ.
Yến huyết dùng bồi bổ cho người bệnh, người có thể trạng kém hay người già, trẻ em còi cọc…
Theo những người thợ sào chĩa lâu năm, tổ yến có màu đỏ là do vách đá nơi chim yến làm tổ có rất nhiều oxyd sắt. Từ đó có sự trao đổi chất nên tổ yến nguyên thủy từ màu trắng đã chuyển đỏ. Do chứa nhiều nguyên tố vi lượng mà tổ yến huyết có màu đỏ bất thường và bổ dưỡng hơn các loại tổ yến khác.
“Đơn giản là vậy chứ chúng tôi làm thợ sào chĩa lâu năm không thấy con chim yến nào thổ huyết tạo ra tổ yến, có lẽ chỉ là đồn đãi thêm cho tăng phần hấp dẫn…”, một thợ sào chĩa lâu năm cười nói về những niềm tin mù quáng về yến huyết bấy lâu nay.
Cũng những người thợ này tâm sự rằng, hàng yến huyết rất hiếm nên giá thành rất cao, các công ty khai thác còn không đủ bán thì lấy đâu thị trường chợ đen có mà giá lại thượng vàng hạ cám như hiện nay.
Do đó, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn khi mua yến sào tẩm bổ kẻo hám rẻ mà tiền mất tật mang vì vớ phải hàng dỏm.
Không phủ nhận tính dược của yến sào hay yến huyết bởi các y văn xưa đều có ghi nhận là dùng bồi bổ cho người bệnh, người có thể trạng kém hay người già, trẻ em còi cọc… Tổ yến cũng có lợi cho da, phổi, tăng cường sinh khí cho cơ thể nhưng không phải dùng vô tội vạ. Và yến sào, yến huyết càng không phải là thần dược, tới mức chữa được ung thư như nhiều người tin tưởng mù quáng.
Nhà bác học Lê Quý Đôn luận trong “Vân Đài loại ngữ” (ghi lại từ sách “Quảng Đông Tân Ngữ” của Khuất Đại Quân) về việc chim yến thổ huyết tạo thành tổ yến huyết như sau: “Chim yến ăn phấn đá (hải phấn) ở bãi biển rồi nhả ra làm tổ thành từng lớp, ở các vách núi. Người ở hải đảo chờ đến mùa thu đi đến nơi có tổ yến rồi lấy cần tre đầu có lưỡi cạo lấy nó. Hải phấn tính hàn và mặn, chim yến nuốt vào lại nhả ra thì hóa ôn và ngọt, hình chất hóa hết, cho nên có thể thanh đờm, khai vị. Yến sào có ba thứ, một thứ đen, một thứ trắng, còn một thứ thì hiếm có. Yến thuộc hỏa, nên thứ đỏ là tinh nước dãi của yến”.