Tính tới cuối năm 2016, số dư nợ vay của ACV lên tới 72 tỷ Yên Nhật, tương đương 14.227 tỷ đồng, chiếm 31% tổng nguồn vốn công ty.
TCT Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016 với doanh thu thuần đạt 4.044 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán trong kỳ chiếm 3.171 tỷ đồng kéo lãi gộp ACV chỉ còn 873 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 22%.
Trong quý 4, doanh thu tài chính ACV lên tới 2.319 tỷ đồng, chủ yếu nhờ hoàn nhập chênh lệch tỷ giá 1.649 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá 236 tỷ đồng và lãi tiền gửi 223 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2016, số dư nợ vay của ACV lên tới 72 tỷ Yên Nhật, tương đương 14.227 tỷ đồng, chiếm 31% tổng nguồn vốn công ty. Bởi vậy, những biến động của đồng Yên Nhật sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của công ty. Có thể thấy, trong quý 2/2016, ACV đã lỗ 62 tỷ đồng nhưng trong quý 3 lãi 757 tỷ đồng bởi ảnh hưởng tỷ giá.
Tỷ giá Yên/VNĐ giảm mạnh trong giai đoạn cuối năm 2016
Các chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm lần lượt 24 tỷ đồng, 179 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.
Kết quả, ACV ghi nhận 2.049 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.995 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng giai đoạn 1/4 – 31/12/2016, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ACV đạt 2.689 tỷ đồng.
Được biết, ACV là công ty quản lý và khai thác độc quyền 22 sân bay thương mại tại Việt Nam. Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDSC), về trung và dài hạn, hoạt động kinh doanh của ACV còn nhiều dư địa để tăng trưởng do (1) thu nhập người dân Việt Nam còn ở mặt bằng thấp và sẽ tiếp tục cải thiện, (2) quy mô và tỷ trọng các dịch vụ phi hàng không (thuê mặt bằng, quảng cáo, bán hàng) có tỷ suất lợi nhuận cao vẫn còn khiêm tốn và ở bước sơ khởi so với khu vực và (3) hiệu quả và tiến độ triển khai các công trình lớn sẽ tốt hơn từ nguồn lực xã hội hóa. Dài hơi hơn là kỳ vọng vào dự án sân bay quốc tế Long Thành.